loader image

Hang lớn nhất thế giới được bảo tồn và khai thác như thế nào?

Date:

‘Mọi thứ chúng tôi mang vào đều phải mang ra, từ thứ nhỏ nhất như tàn thuốc, mỗi người đều có túi riêng để đựng’, porter tuyến Sơn Đoòng nói.

Là một trong những hang động được phát hiện khá muộn ở Việt Nam, Sơn Đoòng (Quảng Bình) không đón khách đại trà mà chỉ giới hạn số người theo từng hành trình. Ngoài yếu tố về an ninh, an toàn, đây được coi là cách thức bảo vệ cảnh quan và môi trường trong hang lớn nhất thế giới ở vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Tăng khách nhưng giảm tác động đến môi trường

Các tour khám phá Sơn Đoòng bắt đầu được khai thác từ tháng 8/2013. Đây là hang lớn nhất thế giới nhưng các khu cắm trại bên trong có diện tích nhỏ, không phù hợp với lượng khách đông. Thời gian hang có thể khai thác được chỉ kéo dài từ tháng 1 đến hết tháng 8 hàng năm, vì thời gian còn lại bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Thời gian 4 tháng đóng cửa còn giúp phục hồi hệ sinh thái hang Sơn Đoòng, đảm bảo các loài động, thực vật trong hang không bị quá tải, nguồn nước không bị ô nhiễm… Ảnh: Ryan Deboodt.

Do đó, theo tính toán của đơn vị tổ chức – Oxalis, mỗi tour chỉ phục vụ 6 khách, hành trình 6 ngày 5 đêm, đi vào và ra cùng lộ trình. Sau này, nhờ lộ trình được thiết kế lại, vượt Bức tường Việt Nam bằng thang, sau đó xuyên hang (không quay lại) với tổng thời gian 4 ngày 3 đêm, số lượng khách tăng từ 6 lên 10 người mỗi đoàn. Theo đó, hang Sơn Đoòng có thể đón tới 1.000 khách mỗi năm. Cả hai hành trình này đều áp dụng nguyên tắc mỗi lần chỉ phục vụ một tour.

Theo chuyên gia hang động Anh, việc thay đổi lộ trình, rút ngắn thời gian thám hiểm, không chỉ giúp du khách có trải nghiệm thú vị hơn, mà còn “giảm tối đa sự tác động đến hang”.

“Chúng ta có thể tiếp nhận được khoảng 1.000 khách với mức độ tác động chỉ bằng 500 khách nếu thám hiểm hai chiều”, ông Howard Limbert nói. Chuyên gia có hơn 20 năm gắn bó với hang động Việt Nam khẳng định các móc sử dụng để lắp thang có thể được tháo ra (trong thời gian hang đóng cửa) mà “không gây tổn hại đến hang”.

Trong quy định an toàn khi leo thang, các chuyên gia hang động nêu rõ: Chỉ một người leo trên thang, khi xong thì mới đến lượt người khác. Mọi người được yêu cầu rửa sạch giày dép trước khi leo thang. Tất cả phải tuân thủ đi trên lối định sẵn, không bước ra bên ngoài nếu không được sự cho phép của chuyên gia. Tất cả được giám sát bởi các kiểm lâm viên. Bất cứ ai không tuân thủ quy định an toàn dù một lần cũng sẽ không được phục vụ tour.

Không để lại gì trong hang, kể cả chất thải của con người

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Châu Á – Tổng giám đốc Oxalis, khi nhắc đến một số quy tắc khi khám phá hang Sơn Đoòng. Ông cũng đánh giá đây là khâu khó thực hiện nhất.

“Ngày trước, mình phải làm sao để porter và khách tuân thủ các quy định về vệ sinh, bảo vệ môi trường, tất cả vỏ kẹo, các loại rác hay thức ăn thừa đều được gom lại để mang ra khỏi rừng. Nhưng ngày nay với các hành động cụ thể, tự giác và phương pháp truyền thông đã giúp cho khách và nhân viên có ý thức rất cao trong công tác bảo đảm vệ sinh môi trường trong hang cũng như suốt tuyến”, ông Á chia sẻ.

Compost toilet (nhà vệ sinh ủ phân vi sinh) gồm thùng, xô nhựa kín và vỏ trấu, mỗi khi dùng xong sẽ lấy trấu lấp hết chất thải, cứ thế đến khi đầy xô. Trấu có tác dụng khử mùi, hút hết nước và phân hủy chất thải nhanh chóng. Phần chất thải khô này sau 1 – 2 tháng sẽ trở thành phân bón có ích cho cây trồng. Mỗi điểm cắm trại luôn có ít nhất hai khu vệ sinh cho những người đi Sơn Đoòng sử dụng.

Một đoàn thám hiểm sẽ đi cùng nhóm porter 22 người, có tổ trưởng riêng quản lý hoạt động của từng nhóm. Trong đó có 5 trợ lý an toàn thực hiện công việc theo yêu cầu của hướng dẫn viên và chuyên gia hang động, 2 đầu bếp chuyên lo ăn uống cho đoàn, nhóm porter mang vác dụng cụ cắm trại, hành lý của khách và nhóm porter xử lý rác, chất thải.

Suốt 5 năm qua, mỗi khu vực dừng chân hay khu cắm trại cho đoàn khách đều bố trí lều vệ sinh ủ phân vi sinh. Khi đoàn lên đường, các porter sẽ phải mang toàn bộ rác thải sinh hoạt và chất thải con người ra khỏi hang. Còn những chất thải rắn được mang ra khỏi rừng.

“Tất cả hoạt động này được giám sát bởi một lực lượng nhân viên bảo vệ hai đầu cửa hang, bảo đảm xử lý đúng quy trình, đúng chỗ. Ngoài các nội quy cụ thể của công ty đề ra, các nhóm còn chịu sự giám sát của vườn quốc gia”, ông Á thông tin thêm.

Video Sơn Đoòng của đài ABC (Mỹ) chiến thắng tại hạng mục “Phim tài liệu và tin tức” của Liên hoan phim New York City Drone Film.

Anh Nguyễn Hữu Linh, 21 tuổi, porter tour Sơn Đoòng, kể: “Mọi thứ chúng tôi mang vào đều phải mang ra. Từ thứ nhỏ nhất như tàn thuốc, mỗi người đều có túi riêng để đựng”, anh Linh nói về chuyển biến ý thức khi làm nghề porter.

Nếu vi phạm, các hình thức kỷ luật bao gồm: Nhẹ sẽ bị cảnh cáo trước tập thể, nặng hơn sẽ bị cắt tour trong hai tháng đến một năm, mức cao nhất là sa thải ra khỏi nhóm porter. Ngoài ra, nếu có hành vi vi phạm pháp luật, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Du khách có rất ít cơ hội gây nguy hại đến môi trường hang

Theo ông Á, trong hơn 5 năm khai thác Sơn Đoòng, đơn vị chưa ghi nhận trường hợp nào du khách gây nguy hại đến môi trường trong hang cũng như trên toàn bộ tuyến du lịch.

Oxalis đang tiến tới chấm dứt việc hút thuốc của nhân viên và khách để bảo đảm sức khỏe cũng như môi trường trong lành. Ảnh: Ryan Deboodt.

Tất cả du khách khi tham gia tour đều trải qua buổi giới thiệu các quy định về an toàn, bảo tồn môi trường khu vực thám hiểm. Bất cứ du khách nào không thể hoàn thành đường đi đến cửa hang Sơn Đoòng sẽ phải quay lại Phong Nha và không được phép tiếp tục tham gia chuyến đi. Quy định này cũng được áp dụng cho bất cứ ai không tuân thủ quy tắc an toàn, bảo vệ môi trường, quy tắc trong tour hoặc không tuân thủ yêu cầu của nhóm dẫn tour.

Trong quá trình di chuyển trên tuyến luôn có nhân viên đi kèm khách. Mỗi khách khám phá hang Sơn Đoòng sẽ có 3 người phục vụ gồm chuyên gia hang động, hướng dẫn viên, trợ lý an toàn. Tại khu vực cắm trại, du khách cũng được phổ biến các quy định về trại tại điểm dừng, do đó “rất ít cơ hội để du khách gây ảnh hưởng đến môi trường hang động”, ông Á nói thêm.

Kiều Dương

Môi trường và quản lý chất lượng điểm đến là nội dung sẽ được thảo luận tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam, thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 (Vietnam Economic Forum – ViEF). Sự kiện sẽ khai mạc 13h chiều nay tại Hà Nội.

Diễn đàn là sự kiện gặp gỡ, đối thoại và hội đàm cấp quốc gia lần đầu tiên của ngành du lịch; là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nắm bắt toàn diện hơn các cơ chế, chiến lược, tiềm năng quốc gia cũng như những vấn đề còn tồn tại, thách thức cho sự phát triển của du lịch Việt Nam.

Chương trình do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp cùng VnExpress và Hội đồng tư vấn du lịch TAB tổ chức.

Theo dõi chương trình và đăng ký tham dự tại https://vief.vnexpress.net

RELATED ARTICLES

Thám hiểm Sơn Đoòng – Trải nghiệm đẳng cấp thế giới

Mở cửa đón khách từ năm 2013, đến nay...

Hồi ức về Hành Trình tìm thấy Hang Sơn Đoòng

Nằm trong chuỗi phóng sự ngắn về những sự...

Sơn Đoòng – Tour mạo hiểm đẳng cấp thế giới ngay tại Việt Nam

Vừa qua lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và các...

Lời chào từ Hang Sơn Đoòng

https://www.youtube.com/watch?v=y7wqlvyzf68&t=19s Lần đầu tiên bên trong Hang Sơn Đoòng được...